Võ học và người học võ
Người đời, kể cả nhiều người tập võ thường hiểu một cách khá đơn giản, phiến diện về võ học. Họ thường cho rằng học võ đơn thuần là giúp người ta tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai và nhất là giúp người ta khắc địch thủ, thắng bằng những kỹ thuật chiến đấu. Hiểu như vậy chưa đúng lắm.
Thực vậy, ngoài những điểm nêu trên, võ học còn mang lại cho ta những đức tính vô cùng đáng quý trong cuộc sống, đó là lòng dũng cảm, sự trầm tĩnh, khiêm nhường, vị tha, nghị lực và sức chịu đựng.
Người học võ am hiểu được võ học chỉ dùng vũ lực để giáo hóa cảnh tỉnh đối phương chứ tuyệt nhiên không phải để thỏa mãn sự hiếu thắng của mình. Tuy nhiên, việc dùng vũ lực là hết sức hạn chế. Người học võ phải luôn tự kiềm chế mình, nhường nhịn để tránh dùng vũ lực, đó chính là sự rèn luyện võ đạo. Người võ sĩ thấm nhuần tinh thần võ học phải là người hiếu hòa, khiêm nhượng, có thể đánh thắng đối thủ, nhưng không đánh mà dùng cách ôn hòa để giải quyết, đó là tinh thần thượng võ. Tuy nhiên, muốn thắng người trước hết phải thắng mình, phải thắng được sự khiếp nhược hay tức giận ở mình.
Tập võ để khỏe mạnh, chiến đấu tốt đã khó, nhưng để thấm nhuần tinh thần thượng võ của võ học càng khó vô cùng. Do đó, người luyện võ phải luôn tự trau dồi cho bản thân mình những điều cần thiết đã thấm nhuần tinh thần võ học.
Kiến thức võ học.
Kiến thức võ học mênh mông như biển. Ngoài việc phát huy những kiến thức cổ truyền, ta còn phải luôn luôn học hỏi kiến thức nước bạn, rút ra những cái tinh hoa, cải tiến cho hợp với thể trạng và tinh thần dân tộc ta.
Sức mạnh tiếm ẩn.
Sức mạnh trong võ thuật có hai dạng chính: Sức mạnh có thể thấy được và sức mạnh tiềm ẩn.
Sức mạnh có thể thấy được là do rèn luyện ngoại công: Chạy nhảy, múa quyền, luyện cước, vận khí, điều tiết kết hợp với suy tưởng. Sự gạt bỏ tạp niệm, tập trung suy tưởng và vận khí đúng cách sẽ giúp ta phát huy hết được những năng lực to lớn tiềm tàng trong người cũng như hấp thụ những năng lượng không nhỏ trong thiên nhiên (Khí trời, ánh dương, …)
Chịu đựng
Trong luyện tập có nhiều gian khổ, nếu không có sức chịu đựng thì khó lòng tới được thành công.
Rèn luyện sức chịu đựng cũng là rèn luyện tính kiên nhẫn và nghị lực.
Có được ba điều này, ta có thể dũng cảm vượt qua được mọi gian nan, trắc trở trong cuộc đời.
Điềm tĩnh.
Điềm tĩnh chính là yếu tố không thể thiếu trong đức tính một người luyện võ. Vì chỉ khi thật điềm tĩnh, ta mới có thể lý luận một cách logic, tìm xem cách thức giải quyết tối ưu trong hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh phải dùng lực để giải quyết.
Tự tin.
Người học võ không thể thiếu đức tự tin. Phải tự tin mới có thể thắng người hay tự thắng mình, nếu không tự tin, ắt thất bại sẽ tới. Tuy nhiên tự tin, biết mình, nhưng cũng phải biết người, như thế ta mới tránh được những thất bại đáng tiếc.
Kết luận.
Khi đã có được một kiến thức võ học rộng rãi, một sức mạnh tiềm ẩn, một sức chịu đựng, có sự điềm tĩnh, tự tin … và một ý chí không ngừng học hỏi trau dồi sáng tạo, chắc chắn bạn sẽ đạt tới được những đỉnh cao mà bạn không ngờ. Tuy nhiên trong võ học thì không biết đâu là đỉnh cao nhất, vì như tôi đã nói: Võ học là mênh mông vô cùng cũng như tâm hồn con người vậy. Và chính trên con đường đi tới cái vô tận ấy, ta sẽ có được một món quà vô giá: ĐẠO ĐỨC VÕ HỌC.
Lão võ sư Trần Tiến
Chưởng môn Thiếu Lâm nội gia quyền.
(Trích “Sổ tay VÕ THUẬT” số tháng 9/94).
0 comments