Nếu cảm thấy không hiệu quả hãy thử cố gắng ít hơn
Bài viết này chia sẻ về một triết lý trong võ thuật nhu đạo của Nhật
Bản (Akido và Kendo), tuy nhiên triết lý này ít nhiều lại có giá trị trong
chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Yagyu Matajuro là con
trai trong gia đình kiếm thuật Yagyu nổi tiếng ở thế kỷ 17 của xã hội phong
kiến Nhật. Anh ta bị loại ra khỏi gia đình do bị cho là kém tài năng và phẩm
chất nên đã tìm đến để học thầy Tsukahara Bokuden với hi vọng đạt trình độ
thượng thừa về kiếm thuật và lấy lại được vị trí trong gia đình. Trong buổi nói
chuyện ra mắt, Matajuro đã hỏi thầy Tsukahara Bokuden “Sẽ mất bao lâu để giỏi
được kiếm?” Bokuden trả lời “Với trình độ của anh thì sẽ mất khoảng năm năm nếu
như anh tập luyện chăm chỉ.” “Nếu tôi tập luyện chăm chỉ gấp đôi, thì sẽ mất
khoảng bao lâu?” Matajuro hỏi “Trong trường hợp đó cậu sẽ mất mười năm” Bokuden
trả lời. Hiểu rằng thầy Bokuden trách mình thiếu kiên nhẫn, lúc ấy Matajuro mới
hiểu ra và bắt đầu chuyên tâm luyện kiếm mà không nghĩ gì đến kết quả…
Thầy Kensho Furuya,
một bậc thầy về Karatedo của Nhật cũng nhận xét : “Trong nhiều năm giảng dạy,
tôi nhận thấy rằng những học trò chỉ quan tâm đến việc được đai đen thường dễ
nản chí ngay khi họ nhận ra việc đó khó hơn là họ nghĩ. Ngược lại những người
đến chỉ với tinh thần luyện tập, không quan tâm đến cấp độ hay việc thăng cấp,
thường luyện tập rất tốt. Họ không bị những chiếc bóng của kỳ vọng hay những
mục tiêu thiếu thực tế đè bẹp”…Matajuro cũng thế. Lúc đầu, thay vì luyện tập
kiếm thuật, anh ta chỉ nghĩ đến thời gian cần thiết để học thành tài, do đó
thành ra nôn nóng, tập luyện chẳng ra gì. Về sau, sở dĩ học hành mau tấn tới vì
anh đã dẹp bỏ được sự nôn nóng của mình luôn luôn chú tâm đến kiếm thuật bất kể
ngày đêm mà không nghĩ gì đến kết quả, và cuối cùng đã trở thành một trong
những bậc thầy kiếm thuật lớn của Nhật Bản.
Có một nguyên lý trong nhu đạo, mới nghe thì có vẻ như nghịch lý nhưng đó lại là chân lý: “Nếu đã gắng sức mà vẫn không hiệu quả, hãy thử cố gắng ít hơn”. Vì chúng ta thường được nghe ” “Phải cố gắng hết sức mình, thì mới phát huy hết sức mạnh”. Với Aikido và Kendo mọi chuyện đều ngược lại: Để phát huy hết sức mạnh, bạn phải cố gắng ít hơn cái bạn có thể.
Lí do là vì chúng ta thường giống như Matajuro lúc ban đầu, muốn việc tập
luyện có kết quả ngay lập tức, do đó chúng ta thường “cố gắng hết sức mình”
bằng cách căng thẳng nỗ lực. Nhưng cách này sẽ vô hình tạo ra một “phản lực”,
một sự phản kháng và đánh bại chính chúng ta. Chúng ta càng nôn nóng muốn thành
công, muốn đạt được kết quả thì phản lực này càng lớn và chúng ta càng khó để
có thể đạt được mục đích. Ngược lại khi chúng ta “ít cố gắng hơn”, cơ thể chúng
ta được thả lỏng tốt hơn, thì các đòn đánh sẽ đến một cách thật tự nhiên và
chính xác.
Những nắm tay nắm chặt, những cơ bắp gồng cứng chỉ đem lại sự thất bại. Thả
lỏng toàn thân, thả lỏng vai, cánh tay, cổ tay, để cho cơ thể ở trạng thái hoàn
toàn thư thái sẽ đem lại sức mạnh, tốc độ và sự linh họat thật kỳ diệu. Chính
vì vậy các thầy dạy võ ở Nhật thường dạy học trò của mình rằng ” Hãy mềm mại
như cây liễu, đừng cứng cỏi như cây tùng”, hoặc “Con càng cố nắm bắt nước thì
nước càng vuột ra khỏi lòng bàn tay con”…
Vậy nếu không sử dụng đến sức mạnh của cơ bắp, ý chí, hoặc nỗ lực, thì
làm sao chúng ta có thể đạt được cái mà ta mong đợi. Đây là một bí ẩn mà
bạn phải tự mình khám phá trong quá trình tập luyện, cái cốt yếu thì thật khó
có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Bạn chỉ có thể tự tìm thấy câu trả lời
bởi chính bản thân mình.
Trong kiếm đạo cũng như trong cuộc sống, nếu khi nào đã cố gắng, đã nỗ lực
hết sức mà vẫn không đạt kết quả, thì hãy thử “cố gắng ít hơn” một chút, để cho
cơ thể được nghỉ ngơi, bình tâm nhìn lại con đường bạn đã đi qua, có thể bạn sẽ
tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình.
Nguồn: Internet
0 comments